Hà nội nơi có nhiều ngôi chùa, đền cổ, có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng nổi tiếng và lâu đời nhất là chùa Trấn Quốc.
Đây là ngôi chùa có lịch sử tới 1500 năm tuổi, được nhiều vị vua trước đây đến dâng hương và coi trọng việc tu sửa, tôn tạo. Với người dân chùa Trấn Quốc rất linh thiêng là ngôi chùa để cầu bình an sức khỏe đặc biệt là dịp đầu năm mới.
Hiện nay chùa Trấn Quốc thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm, Quan Bình, Quan Vũ, Chu Thương, Đức Ông và các thị giả.
- Vị trí chùa Trấn Quốc nằm trên con đường đẹp nhất Hà Nội và là công trình kiến trúc duy nhất ở giữa Hồ Tây. Vì vậy khi đến chùa Trấn Quốc sẽ cho bạn cảm xúc về cảnh đẹp Hà Nội trọn vẹn nhất mà không đâu có.
Cách Lăng Bác, chùa một cột và hàng loạt di lích lịch sử khác chỉ từ 500m- 1km, nên rất dễ dàng trong lịch trình thăm quan Hà Nội của bạn. Nếu tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân bạn có thể gửi xe ngay bên Hồ Tây, sát con đường đi vào chùa Trấn Quốc.
Các di tích nổi tiếng Hà Nội :
>> Chùa một cột
>> Văn miếu quốc tử giám
Nếu đến thăm quan vãn cảnh chùa bạn nên tránh đến các ngày mùng 1 hoặc ngày rằm âm lịch, bởi đó là những ngày người dân đến lễ bái rất đông, không thuận tiện để di chuyển cũng như bình tâm ngắm cảnh chùa. Thời điểm đi tốt nhất vào buổi bình mình hoặc hoàng hôn, khi đó bạn sẽ được ở trong không gian thanh tịnh và ngắm nhìn mặt trời nhuộm vàng mặt hồ tây. Cũng như các nơi linh thiêng, trang nghiêm khác ở Việt Nam, dù bạn đi lễ bái hay chỉ là du khách ghé thăm cảnh đẹp thì cũng cần có trang phục kín đáo, không mặc quần áo, váy ngắn.
Đến đường Thanh Niên sẽ rất dễ nhận ra tháp Lục Độ Đài Sen của chùa Trấn Quốc bên phía Hồ Tây, vì thế bạn không cần nhìn theo số nhà cũng có thể dễ dàng đến cổng chùa.
Trước tiên bạn cần đi lên vỉa hè Hồ Tây, rồi đi vào con đường nhỏ trên mặt hồ dẫn vào khuân viên chùa. Cổng chùa tam quan truyền thống được thiết kế theo kiểu mái ngói cong đặc trưng. Trên cổng có dòng chữ “Phương Tiện Môn” và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm: “Vang tai xe ngựa qua đường tục Mở mặt non sông đứng cửa Thiền”.
Cũng giống như hầu hết những ngôi chùa khác, chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà Thiêu hương và Thượng điện nối thành hình chữ Công.
Nhà tiền đường là nơi đầu tiên bạn bước vào sau khi qua cổng tam quan. Ngôi nhà rộng, mái ngói cong vút, được chống đỡ bởi những cột gỗ lớn. Các chi tiết trên cột và mái được chạm trổ hình rồng, mây, hoa sen biểu tượng đặc trưng của đạo phật vô cùng tinh xảo. Nhà tiền đường thường là nơi diễn ra các nghi lễ lớn của chùa. Không gian mở, thoáng đãng, đón ánh sáng tự nhiên, giúp tạo nên sự kết nối giữa con người và Phật pháp.
Nhìn từ xa kiến trúc nổi bật nhất tại chùa Trấn Quốc là Bảo tháp Lục Độ Đài Sen, được xây dựng vào năm 1998, nằm giữa vườn tháp cổ từ thế kỷ 18. Tháp cao 15 mét, gồm 11 tầng, mỗi tầng có các cửa vòm nhỏ chứa tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Tháp được thiết kế hình lục giác, tượng trưng cho "Lục Độ" trong Phật giáo: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ – con đường dẫn đến giác ngộ.
Phần đỉnh tháp là một đài sen lớn 9 tầng hay cửu phẩm liên hoa., được coi là biểu tượng của sự thuần khiết và giác ngộ. Khi ánh nắng chiếu vào, tháp sáng lấp lánh, tạo nên một hình ảnh vô cùng thiêng liêng giữa nền trời và mặt nước.
Thượng điện là khu vực thờ cúng chính trong chùa, nằm sâu bên trong sau nhà tiền đường. Kiến trúc thượng điện thể hiện sự uy nghi và cổ kính, với mái ngói uốn cong, chạm khắc rồng phượng tỉ mỉ.
Bên trong, thượng điện được chia thành nhiều gian, mỗi gian thờ các vị Phật và Bồ Tát khác nhau. Đáng chú ý nhất là tượng thờ Phật Thích Ca và Quan Âm Bồ Tát, được tạc từ gỗ quý hoặc đồng, mang vẻ trang nghiêm và linh thiêng.
Cây bồ đề trong khuôn viên chùa được chiết từ cây bồ đề tại Ấn Độ, đây là món quà Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được trồng vào năm 1959.
Cây cao lớn, tỏa bóng mát khắp khu vực chùa, gợi nhắc về sự giác ngộ và lòng từ bi trong Phật giáo.
Có lịch sử 1500 năm khẳng định tầm quan trọng của chùa Trấn Quốc về mặt văn hóa, tín ngưỡng với người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt nói chung.
>> Khám phá văn hóa bắc qua qua show : Tinh hoa bắc bộ
Các dấu mốc quan trọng của chùa Trấn Quốc qua các thời kỳ:
- Năm 541-548: Chùa được xây dựng dưới triều đại vua Lý Nam Đế với tên gọi ban đầu là Khai Quốc, tọa lạc tại bờ sông Hồng, gần khu vực làng Yên Hoa. Và là ngôi chùa lâu đời nhất Hà Nội.
- Năm 1615 : Do bị sạt lở, chùa được di dời đến bán đảo Kim Ngưu, giữa hồ Tây. Sau đó, chùa được đổi tên thành Trấn Quốc và ở đó cho đến ngày nay.
- Năm 1820-1841: Chùa được tôn tạo, trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng ở kinh thành Thăng Long.
- Năm 1959 : Tổng thống Ấn Độ tặng chùa một cây bồ đề chiết từ cây bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ.
- Năm 1962 : Chùa Trấn quốc được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia, ghi nhận giá trị lịch sử, kiến trúc và tâm linh đặc biệt của ngôi chùa.
- Năm 1998 : Bảo tháp Lục Độ Đài Sen tại chùa Trấn Quốc được xây dựng
- Năm 2016, chùa Trấn Quốc được Báo Daily Mail (Anh) bình chọn là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới, nhấn mạnh vào vẻ đẹp cổ kính và vị trí tuyệt đẹp bên hồ Tây
Là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Hà Nội, sở hữu vẻ đẹp cổ kính và giá trị đặt biệt quan trọng với văn hóa , tâm linh người dân, chùa Trấn Quốc thực sự là địa điểm bạn phải ghé thăm khi đến Hà Nội.